HOÀI NIỆM VÀ HIỆN ĐẠI

Nằm ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, cách “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt không bao xa, ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ, theo như yêu cầu của chính chủ nhân, vừa phải chứa đựng được vùng không gian ký ức thân thương của tuổi thơ, vừa phải phù hợp với nét tính cách trẻ trung, thoáng đãng của những người trẻ. 

 Cụm từ nghe có vẻ đơn giản “Vùng không gian ký ức tuổi thơ” ấy ở mảnh đất cao nguyên này lại hoàn toàn không hề đơn giản. Bởi nó là sự giữ lại, hội nhập, giao thoa của vài nền văn hóa khác nhau. Là dáng vẻ mạnh mẽ, khoảng khoát, vững chãi của những mái nhà rông Tây nguyên. Là những công trình kiến trúc biệt thự, nhà thờ, trường học đặc sắc do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Làm sao để ngôi nhà của những người trẻ gợi được nét xưa cũ thân quen đó mà vẫn đảm bảo tính hiện đại và trở thành một không gian sống thông thoáng, nhiều ánh sáng, có màu xanh là một thử thách hoàn toàn không đơn giản với người thiết kế.

Một đặc điểm nữa của khí hậu khu vực này mà kiến trúc sư đã để ý tới và muốn khai thác triệt để cho thiết kế của mình: cách Đà Lạt một con đèo nhỏ, trong khi phía bên kia, “thành phố ngàn hoa” có những mùa mưa ẩm ướt và lạnh lẽo khá khó chịu thì Đức Trọng ôn hòa, mát mẻ và dễ chịu hơn. Làm sao để không gian sống của chủ nhân sẽ luôn tràn đầy cái nắng ấm và luồng gió mát tự nhiên. 

Không quá nhiều, không quá phụ thuộc và tham lam, chắt lọc một cách cô đọng những đường, nét của những công trình kiến trúc xưa đặc sắc nhất của vùng cao nguyên, kiến trúc sư đưa ra ý tưởng thiết kế hình khối của ngôi nhà mang nét ảnh hưởng của mái nhà rông kết hợp với hình ảnh của bức tường gạch cổ kính trong công trình kiến trúc Grand Lycée Yersin de Dalat nổi tiếng của Dalat do người Pháp xây dựng vào năm 1927.  Lồng ghép, chuyển hóa một cách linh hoạt cái cũ trong cái mới, ngôi nhà chứa đựng những gợi nhớ, hoài niệm tuổi thơ của gia chủ nhưng lại rất hiện đại, trẻ trung phù hợp với xu thế kiến trúc ngày nay.

Ngôi nhà có ba thế hệ sinh sống được bố trí một cách hợp lý: không gian tầng trệt bên cạnh gara, phòng khách liên thông với phòng ăn và bếp một cách thông thường còn có một phòng ngủ cho ông bà cùng với nhà vệ sinh được sử dụng chung. Lầu 1 là phần nghỉ ngơi, sinh hoạt của hai thế hệ trẻ của ngôi nhà. Ngoài 2 phòng ngủ cho cha mẹ và con, phòng chơi dành cho bé được ưu tiên một không khá rộng rãi và sát bên cạnh mảnh sân vườn, giúp bé dù ở trong nhà vẫn được hít thở và ngắm nhìn khoảng thiên nhiên nhỏ.

Tất cả các không gian bên trong ngôi nhà được kết nối với nhau bằng những khoảng đệm là sân vườn.  Dù rất nhỏ, nhưng từ mọi vị trí của căn nhà đều có thể nhìn thấy những mảng xanh dễ chịu. Từ những mảnh vườn này mà ánh sáng tự nhiên được đưa trực tiếp vào nhà, giúp cho ngôi nhà luôn ấm áp, thông thoáng và tiết kiệm năng lượng nhân tạo.

Thông tin công trình:
Đơn vị thiết kế: Kaa Architects
Chủ trì: Kts Phạm Như Khoan
Nhóm thiết kế: Trần Trung Hiếu, Võ Như Bình, Mai Phú Quý, Lân Tấn Quỳnh.

Bài & Ảnh: Song Văn – Paul Phan

Comments

Popular posts from this blog

DỊCH VỤ THIẾT KẾ BIỆT THỰ CỔ ĐIỂN PHONG CÁCH CHÂU ÂU

BẾP HIỆN ĐẠI CHO NĂM MỚI KHỞI PHÁT

Công ty thiết kế biệt thự - Dịch vụ thiết kế chuyên nghiệp